Home / Tài liệu môn Địa lý / Địa lý lớp 10 / Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 10 / Đề số 2 – bộ đề ôn thi học sinh giỏi Địa lý 10 chuyên đề hệ quả chuyển động xung quanh Mặt Trời

Đề số 2 – bộ đề ôn thi học sinh giỏi Địa lý 10 chuyên đề hệ quả chuyển động xung quanh Mặt Trời

ĐỀ THI VÀ ĐÁP ÁN

Câu 11. Giải thích tại sao vào ngày hạ chí (22/6) chưa phải là ngày nóng nhất trong năm ở nửa cầu Bắc?

Đáp án

– Ánh sáng Mặt Trời khi chiếu xuống mặt đất phải đi qua lớp khí quyển. Không khí chỉ hấp thụ được một lượng nhiệt nhỏ. Sau khi mặt đất hấp thụ phần lớn lượng nhiệt của ánh sáng Mặt Trời không khí nóng lên nhờ nhiệt từ mặt đất (gọi là bức xạ mặt đất).
– Không khí nóng lên không phải do trực tiếp thu nhận nhiệt từ ánh sáng mặt trời mà gián tiếp qua bức xạ mặt đất.
– Nếu mặt đất tích được một lượng nhiệt lớn của Mặt Trời thì nó mới nóng lên và có khả năng bức xạ một lượng nhiệt lớn ra không gian.
– Trong một ngày Mặt Trời lên cao nhất lúc giữa trưa. Góc chiếu trên mặt đất lớn nhất. Lúc đó, mặt đất sẽ hấp thụ được một lượng nhiệt nhiệt lớn nhất, nhưng nhiệt độ không khí chưa phải là cao nhất. Vì mặt đất phải tích đủ một lượng nhiệt lớn mới bức xạ nhiệt lớn nhất. Do đó, thời gian vào khoảng từ lúc 13 giờ nhiệt độ không khí mới đạt đến mức cao nhất.
– Trong một năm nhiệt độ không khí thay đổi tùy theo lượng nhiệt của mặt đất tích lũy được. Chính vì vậy sau ngày hạ chí, ở nửa cầu Bắc mặt đất sau khi tích lũy nhiều nhiệt, nhiệt độ tăng cao, nên thời kì nóng nhất trong năm phải vào vài tuần sau ngày hạ chí.

Câu 12. Vẽ quỹ đạo chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời. Giải thích tại sao có sự khác nhau về độ dài của các thời kì nóng và lạnh ở mỗi bán cầu?

de so 2 bo de on thi hoc sinh gioi dia ly 10 chuyen de he qua chuyen dong xung quanh mat troi 1 - Đề số 2 – bộ đề ôn thi học sinh giỏi Địa lý 10 chuyên đề hệ quả chuyển động xung quanh Mặt Trời
b) Giải thích
– Hiện tượng: thời kì nóng ở Bắc bán cầu dài hơn thời kì nóng ở Nam bán cầu.
– Giải thích:
+ Từ ngày 21-3 đến ngày 23 – 9 là thời kì nóng ở bán cầu Bắc. Trái Đất chuyển động trên quỹ đạo ở xa Mặt Trời hơn so với thời gian từ ngày 23-9 đến ngày 21-3. Do vậy, sức hút của Mặt Trời yếu hơn, vận tốc Trái Đất giảm, Trái Đất chuyển động trong 186 ngày đêm để đi hết chặng đường này.
+ Từ ngày 23-9 đến ngày 21 – 3 là thời kì nóng ở bán cầu Nam. Trái Đất di chuyển trên quỹ đạo ở gần Mặt Trời hơn, sức hút của Mặt Trời mạnh hơn, nên vận tốc của Trái Đất tăng. Trái Đất chỉ cần 179 ngày đêm để thực hiện quãng đường còn lại.

Câu 13. Vì sao có hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau trên Trái Đất?

Đáp án

Có hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau trên Trái Đất là do:
Vì Trái Đất có dạng hình cầu và luôn tự quay quanh trục nên có hiện tượng luân phiên ngày đêm trên Trái Đất.
Trong khi chuyển động quanh Mặt Trời thì trục Trái Đất luôn nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo một góc 66 độ 33 ‘ và không đổi phương, do vậy nên:
– Từ ngày 21-3 đến ngày 23-9, Bắc bán cầu ngả về phía Mặt Trời, đường phân chia sáng tối nằm ở phía sau Địa Cực Bắc và phía trước Địa Cực Nam, do vậy nửa cầu Bắc có góc nhập xạ lớn hơn, nhận được nhiều nhiệt hơn nửa cầu Nam, nên Bắc bán cầu là mùa nóng, có ngày dài hơn đêm. Còn ở Nam bán cầu là mùa lạnh, có đêm dài hơn ngày. Vào ngày 22-6, hiện tượng trên đạt tới cực đại.
– Từ ngày 23-9 đến ngày 21-3 năm sau, Nam bán cầu ngả về phía Mặt Trời, hiện tượng diễn ra ngược lại. Nam bán cầu là mùa nóng, có ngày dài, đêm ngắn; còn Bắc bán cầu là mùa lạnh, có ngày ngắn, đêm dài. Vào ngày 22-12, hiện tượng trên đạt tới cực đại.
– Ở Xích đạo, quanh năm có độ dài ngày đêm bằng nhau và bằng 12 giờ.
– Càng xa Xích đạo, độ dài ngày và đêm càng chênh lệch nhiều. Từ vòng cực về phía cực, có hiện tượng ngày hoặc đêm dài 24 giờ (ngày địa cực, đêm địa cực). Càng gần cực, số ngày, đêm địa cực càng tăng, ở hai cực, số ngày hoặc đêm dài 24 giờ kéo dài suốt sáu tháng.

Câu 14. Trình bày chuyển động biểu kiến hằng năm của Mặt Trời.

Đáp án

– Hiện tượng Mặt Trời ở đúng đỉnh đầu lúc 12 giờ trưa (tia sáng mặt trời
chiếu thẳng góc với tiếp tuyến bề mặt đất) được gọi là Mặt Trời lên thiên đỉnh.

– Trong một năm, những tia sáng mặt trời chỉ lần lượt chiếu thẳng góc với mặt đất tại các địa điểm trong khu vực giữa hai chí tuyến khiến người ta cảm thấy Mặt Trời như di chuyển giữa hai chí tuyến. Nhưng trong thực tế, không phải Mặt Trời di chuyển mà là Trái Đất chuyển động tịnh tiến xung quanh Mặt Trời. Chuyển động không có thực đó của Mặt Trời được gọi là chuyển động biểu kiến hằng năm của Mặt Trời.
– Hiện tượng này xảy ra như sau:
+ Ngày 21-3, Mặt Trời ở Xích đạo, tia sáng mặt trời chiếu vuông góc với tiếp tuyến của bề mặt đất tại Xích đạo (Mặt Trời lên thiên đỉnh ở Xích đạo).
+ Sau ngày 21-3, Mặt Trời chuyển động dần lên chí tuyến Bắc và lên thiên đỉnh ở chí tuyến Bắc vào ngày 22-6.
+ Sau ngày 22-6, Mặt Trời chuyển động dần về Xích đạo, lên thiên đỉnh ở Xích đạo vào ngày 23-9.
+ Sau ngày 23-9, Mặt Trời từ Xích đạo chuyển động dần xuống chí tuyến Nam và lên thiên đỉnh ở chí tuyến Nam vào ngày 22-12.
+ Sau ngày 22-12, Mặt Trời lại chuyển động dần về Xích đạo, rồi lại lên chí tuyến Bắc,… đó là hiện tượng chuyển động biểu kiến hằng năm của Mặt Trời giữa hai chí tuyến.
+ Như vậy, Mặt Trời chỉ lên thiên đỉnh một lần tại chí tuyến Bắc vào ngày 22-6 và chí tuyến Nam vào ngày 22-12; Mặt Trời lên thiên đỉnh hai lần tại các địa điểm trong khu vực nội chí chuyển; khu vực ngoại chí tuyến không có hiện tượng Mặt Trời lên thiên đỉnh.

>> Xem thêm:  Đề thi học sinh giỏi Địa lý 10 chuyên đề vũ trụ. Hệ Mặt Trời và Trái Đất. Hệ quả chuyển động tự quay quanh trục Trái Đất (tiếp)

Câu 15. Mùa là gì? Nguyên nhân nào sinh ra mùa? Nêu đặc điểm của các mùa trong năm.

Đáp án

– Mùa là một phần thời gian của năm, nhưng có những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu.
– Nguyên nhân sinh ra mùa là do trục Trái Đất nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và trong suốt năm, trục Trái Đất không đổi phương trong không gian, nên có thời kì bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời, có thời kì bán cầu Nam ngả về phía Mặt Trời. Điều đó làm cho thời gian chiếu sáng và sự thu nhận lượng bức xạ Mặt Trời ở mỗi bán cầu có sự thay đổi luân phiên trong năm, gây nên những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu trong từng thời kì của năm tạo nên các mùa.
– Đặc điểm: Mỗi năm có 4 mùa xuân, hạ thu, đông nhưng thời gian.bắt đầu và kết thúc cho mỗi mùa khác nhau ở các vùng sử dụng dương lịch và âm lịch. Mùa ở hai nửa cầu cũng trái ngược nhau.
+ Mùa xuân từ ngày 21/3 đến ngày 22/6 (bán cầu Bắc, sử dụng Dương lịch): tiết trời ấm áp vì Mặt Trời bắt đầu di chuyển biểu kiến lên chí tuyến Bắc, nhiệt độ tăng dần nhưng vì mới bắt đầu nên chưa tích lũy nên nhiệt độ chưa cao.
+ Mùa hạ từ ngày 22/6 đến ngày 23/9: thời tiết nóng bức vì góc nhập xạ lớn, nhiệt lượng được tích lũy nhiều.
+ Mùa thu từ ngày 23/9 đến ngày 22/12: tiết trời mát mẻ vì tuy góc nhập xạ giảm nhưng còn lượng nhiệt dự trữ trong mùa hạ.
+ Mùa đông từ ngày 22/12 đến ngày 23/3: tiết trời lạnh lẽo vì góc nhập xạ nhỏ, mặt đất đã tiêu hao hết lượng nhiệt dự trữ.

Câu 16. Trình bày sự phân chia các mùa trong năm.

Đáp án

– Ở bán cầu Bắc, các nước ôn đới có sự phân hóa khí hậu ra bốn mùa rõ rệt. Theo dương lịch, thời gian và đặc điểm các mùa như sau:
+ Mùa xuân: từ ngày 21-3 đến ngày 22 – 6. Mặt Trời di chuyển dần từ Xích đạo lên chí tuyến Bắc, lượng nhiệt dần dần tăng lên, ngày cũng dài thêm ra. Mặt đất mới bắt đầu tích lũy nhiệt, nên nhiệt độ chưa cao.
+ Mùa hạ: từ ngày 22-6 đến ngày 23 – 9. Lúc này, Mặt Trời từ chí tuyến Bắc chuyển dần về phía Xích đạo. Mặt đất vừa tích lũy nhiệt qua mùa xuân, lại nhận thêm được một lượng bức xạ lớn nên rất nóng, nhiệt độ tăng cao.
+ Mùa thu: từ ngày 23-9 đến ngày 22 – 12. Lúc này, Mặt Trời bắt đầu di chuyển về chí tuyến Nam, lượng bức xạ tuy có giảm, nhưng mặt đất vẫn còn lượng nhiệt dự trữ trong mùa trước, nên nhiệt độ vẫn chưa thấp lắm.
+ Mùa đông: từ ngày 22 – 12 đến ngày 21 – 3. Lúc này, Mặt Trời đã từ chí tuyến Nam trở về Xích đạo, lượng nhiệt tuy có tăng lên chút ít, nhưng Mặt đất đã tiêu hao hết lượng nhiệt dữ trữ nên trở nên rất lạnh.
– Những nước nằm trong vùng giữa hai chí tuyến, quanh năm hầu như lúc nào nhiệt độ cũng cao, sự phân hóa ra 4 mùa không rõ rệt. ở bán cầu Nam, bốn mùa diễn ra ngược với bán cầu Bắc.
– Nước ta và một số nước châu Á quen dùng âm – dương lịch, thời gian bắt đầu của các mùa được tính sớm hơn khoảng 45 ngày.
+ Mùa xuân từ ngày 4 hoặc ngày 5-2 (lập xuân) đến ngày 5 hoặc ngày 6 – 5 (lập hạ)
+ Mùa hạ là ngày 5 hoặc ngày 6-5 (lập hạ) đến ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập thu).
+ Mùa thu từ ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập thu) đến ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập đông).
+ Mùa đông từ ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập đông) đến ngày 4 hoặc ngày 5 – 2 (lập xuân).
– Như vậy, các ngày xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí là bốn ngày khởi đầu của bốn mùa ở các nước ôn đới và đồng thời cũng là bốn ngày giữa mùa ở các nước sử dụng âm – dương lịch.

Câu 17. Tại sao tiết trời vào mùa xuân ấm áp, mùa hạ nóng bức, mùa thu mát mẻ còn mùa đông thì lạnh lẽo?

Đáp án

Người ta chia một năm ra bốn mùa. Ở các nước thuộc vĩ độ trung bình thì bốn mùa thay đổi rõ rệt. Ở bán cầu Bắc:
– Mùa xuân từ ngày 21-3 đến ngày 22-6, tiết trời ấm vì Mặt Trời bắt đầu di chuyển từ Xích đạo lên chí tuyến Bắc, lượng nhiệt tăng dần vì mới bắt đầu tích lũy, nên nhiệt độ chưa cao.
– Mùa hạ từ ngày 22-6 đến ngày 23-9, tiết trời nóng bức vì góc nhập xạ lớn, nhiệt được tích lũy nhiều.
– Mùa thu từ ngày 23-9 đến ngày 22-12, tiết trời mát mẻ vì tuy góc nhập xạ giảm xuống nhưng còn lượng nhiệt dự trữ trong mùa hạ.
– Mùa đông từ ngày 22-12 đến ngày 21-3, tiết trời lạnh lẽo vì góc nhập xạ nhỏ, mặt đất đã tiêu hao hết lượng nhiệt dự trữ.

Câu 18. Tại sao trên Trái Đất có các mùa xuân, hạ, thu, đông? Mùa ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu lại trái ngược nhau?

Đáp án

a) Nguyên nhân sinh ra các mùa là do trục Trái Đất nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và trong suốt năm, trục Trái Đất không đổi phương trong không gian, nên có thời kì bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời, có thời kì bán cầu Nam ngả về phía Mặt Trời. Điều đó làm cho thời gian chiếu sáng và sự thu nhận lượng bức xạ Mặt Trời ở mỗi bán cầu có sự thay đổi luân phiên trong năm.
– Người ta chia một năm ra bốn mùa: xuân, hạ thu, đông. Ở bán cầu Bắc, thời gian bắt đầu và kết thúc các mùa của các nước theo dương lịch và một số nước quen dùng âm – dương lịch ở châu Á không giống nhau.
– Các nước theo dương lịch ở bán cầu bắc lấy bốn ngày: xuân phân (21-3), hạ chí (22-6), thu phân (23-9) và đông chí (22-12) là bốn ngày khởi đầu của bốn mùa. Ở bán cầu Nam, bốn mùa diễn ra ngược với bán cầu bắc.
– Nước ta và một số nước châu Á quen dùng âm – dương lịch, thời gian bắt đầu của các mùa được tính sớm hơn khoảng 45 ngày.
+ Mùa xuân từ ngày 4 hoặc ngày 5-2 (lập xuân) đến ngày 5 hoặc ngày 6-5 (lập hạ).
+ Mùa hạ từ ngày 5 hoặc ngày 6-5 (lập hạ) đến ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập thu).
+ Mùa thu từ ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập thu) đến ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập đông).
+ Mùa đông từ ngày 7 hoặc ngày 8-8 (lập đông) đến ngày 4 hoặc ngày 5-2 (lập xuân).
b) Mùa ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu trái ngược nhau là do
– Trong khoảng thời gian từ ngày 21-3 đến ngày 23-9, bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời, nên bán cầu Bắc có góc chiếu sáng lớn, diện tích được chiếu sáng lớn hơn diện tích khuất trong bóng tối; đó là mùa xuân và mùa hạ của bán cầu Bắc. Ở bán cầu Nam thì ngược lại, đó là mùa thu và mùa đông.
– Trong khoảng thời gian từ ngày 23-9 đến ngày 21-3, bán cầu Nam ngả về phía Mặt Trời, nên bán cầu này có góc chiếu sáng lớn, diện tích được chiếu sáng lớn hơn diện tích khuất trong bóng tối; đó là mùa xuân và mùa hạ của bán cầu Nam. Ở bán cầu Bắc thì ngược lại, thời gian này là mùa thu và mùa đông.

Câu 19. Dựa vào bảng dưới đây, hãy cho biết cách tính ngày bắt đầu các mùa ở nửa cầu Bắc theo âm – dương lịch chênh lệch với ngày bắt đầu các mùa theo dương lịch là bao nhiêu ngày:

Mùa    Tính theo dương lch    Tính theo âm – dương lch
Mùa xuân Từ ngày 21-3 (xuân phân) đến ngày 22-6 (hạ chí) Từ ngày 4-5 tháng 2 dương lịch (lập xuân) đến ngày 5-6 tháng 5 dương lịch (lập hạ)
Mùa hạ  Từ ngày 22-6 (hạ chí) đến ngày 23-9 (thu phân) Từ ngày 5-6 tháng 5 dương lịch (lập hạ)  đến ngày 7-8 tháng 8 dương lịch (lập thu)
Mùa thu Từ ngày 23-9 (thu phân) đến ngày 22-12 (đông chí) Từ ngày 7-8 tháng 8 dương lịch (lập thu đến ngày 7-8 tháng 11 dương lịch (lập đồng)
Mùa đông  Từ ngày 22-12 (đông chí đến ngày 21-3 (xuân phân) Từ ngày 7-8 tháng 11 dương lịch (lập đông)  đến ngày 4-5 tháng 2 dương lịch (lập xuân)
>> Xem thêm:  Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 10 phần địa lý ngành thương mại

Đáp án

a) Theo dương lịch
– Mùa xuân từ ngày 21-3 đến ngày 22-6 gồm có 93 ngày.
– Mùa hạ từ ngày 22-6 đến ngày 23-9 gồm có 93 ngày.
– Mùa thu từ ngày 23-9 đến ngày 22-12 gồm có 90 ngày.
– Mùa đông từ ngày 22-12 đên ngày 21-3 gồm có 89 ngày.
b) Theo âm — dương lịch (tính theo ngày của dương lịch)
— Mùa xuân từ ngày 4-5 tháng 2 (lập xuân) đến ngày 5—6 tháng 5 (lập hạ) gồm có 91 ngày.
– Mùa hạ từ ngày 5-6 tháng 5 (lập hạ) đến ngày 7—8 tháng 8 (lập thu) gồm có 93 ngày.
– Mùa thu từ ngày 7-8 tháng 8 (lập thu) đến ngày 7-8 tháng 11 (lập đông) gồm có 93 ngày.
– Mùa đông từ ngày 7-8 tháng 11 (lập đông) đến ngày 4-5 tháng 2 (lập xuân) gồm có 88 ngày.
c) Sự chênh lệch ngày giữa các mùa giữa dương lịch và âm – dương lịch

Số ngày của                       Số ngày của âm               

 dương lịch                              – dương lịch                             Chênh lệch ngày giữa dương lịch – dương lịch

Mùa xuân             93                     91                                                Nhiều hơn 2 ngày

Mùa hạ                   93                    93                                               Bằng nhau

Mùa thu                 90                    93                                               Ít hơn 3 ngày

Mùa đông              89                    88                                               Nhiều hơn 1 ngày

Câu 20. Những vị trí nào ở bề mặt Trái Đất có hiện tượng Mặt Trời mọc chính Đông, lặn chính Tây? Hiện tượng này xuất hiện vào ngày nào trong năm?

Đáp án

– Hiện tượng Mặt Trời mọc và lặn là một loại chuyển động biểu kiến diễn ra hằng ngày, đó là hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất. Tuy nhiên không phải tất cả mọi nơi trên Trái Đất đều quan sát thấy Mặt Trời mọc chính Đông và lặn chính Tây.
– Đứng trên bề mặt Trái Đất nhìn về hướng Bắc dang thẳng hai tay ra hai bên, tay phải người quan sát là hướng đông, tay trái là hướng tây. Khi Mặt Trời mọc chính Đông vào sáng sớm và lặn chính Tây vào chiều tà thì lúc giữa trưa (12 giờ) Mặt Trời phải ở đỉnh đầu người quan sát.
– Vì thế, chỉ trong khu vực có hiện tượng Mặt Trời lên thiên đỉnh (tia sáng mặt trời tạo góc nhập xạ bằng 90° lúc 12 giờ trưa) thì mới thấy Mặt Trời mọc.

– Tuy nhiên, không phải ngày nào tại các địa điểm trong khu vực nội chí tuyến cũng thấy hiện tượng này, mà chỉ đúng ngày tại địa điểm đó có hiện tượng Mặt Trời lên thiên đỉnh thì mới thấy Mặt Trời mọc chính Đông và lặn chính Tây.
– Từ đó, dễ dàng thấy tại Xích đạo có hai ngày Mặt Trời mọc chính Đông và lặn chính Tây. Đó là ngày xuân phân (21-3) và ngày thu phân (23-9). Ở chí tuyến Bắc, hiện tượng này chỉ xảy ra 1 ngày, đó là ngày hạ chí (22-6). Ở chí tuyến Nam, hiện tượng này chỉ xảy ra 1 ngày, đó là ngày đông chí (22-12).
– Những địa điểm khác trong nội chí tuyến sẽ có hai ngày quan sát thấy Mặt Trời mọc chính Đông và lặn chính Tây – là hai ngày mặt trời lên thiên đỉnh tại địa điểm đó.
– Các địa điểm ở vùng ngoại chí tuyến không bao giờ có hiện tượng Mặt Trời mọc ở chính Đông và lặn ở chính Tây.

Xem thêm: Đề số 1 – bộ đề ôn thi học sinh giỏi Địa lý 10 chuyên đề hệ quả chuyển động xung quanh Mặt Trời

Một số chuyên mục hay của Địa lý lớp 10:

Check Also

tyad thumb mllh 310x165 - Bộ đề câu hỏi ôn thi học sinh giỏi phần vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển, và phân bố ngành giao thông vận tải (Đề số 3)

Bộ đề câu hỏi ôn thi học sinh giỏi phần vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển, và phân bố ngành giao thông vận tải (Đề số 3)

ĐỀ THI VÀ ĐÁP ÁN Câu 16. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *