Đề thi:
Câu 1: Hãy nêu tác động của con người tới môi trường qua các thời kì phát triển của xã hội.
Câu 2: Những tác động của con người làm suy thoái môi trường tự nhiên.
Câu 3: Vai trò của con người trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên
Câu 4: Ô nhiễm môi trường là gì?
Câu 5: Nêu các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường.
Đáp án:
Câu 1: Hãy nêu tác động của con người tới môi trường qua các thời kì phát triển của xã hội.
Hướng dẫn trả lời
Thời kì nguyên thủy: Tác hại lớn nhất là đã gây cháy một số cánh rừng ở Trung Âu. Đông Phi, Nam Mĩ, Đông Nam Á.
Xã hội nông nghiệp: Hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đã chặt phá, đốt rừng để lấy đất canh tác, chăn thả gia súc. Hoạt động cày xới đất canh tác đã góp phần làm thay đổi đất và nước tầng mặt. Hậu quả là nhiều vùng đất bị khô cằn và suy giảm độ màu mỡ. Nhiều vùng rừng bị chuyển đổi thành khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài việc phá rừng, hoạt động nông nghiệp đã đem lại một số lợi ích, đặc biệt là tích lũy được nhiều giống cây trồng, vật nuôi và hình thành nhiều hệ sinh thái nông nghiệp.
Xã hội công nghiệp: Thế kỉ XVIII, sự ra đời của nhiều loại máy móc đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng xấu tới môi trường.
+ Nên nông nghiệp cơ giới hóa đã tạo ra nhiều vùng trồng trọt lớn.
+ Công nghiệp khai khoáng đã phá đi nhiều diện tích rừng trên Trái Đất.
+ Đô thị hóa đã lấy đi nhiều vùng đất rừng tự nhiên và đất trồng trọt.
Tuy nhiên nền công nghiệp phát triển cũng đã góp phần cải tạo môi trường. Như việc sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm tăng sản lượng lương thực, lai tạo, nhân giống được nhiều giống vật nuôi cây trồng quý…
Câu 2: Những tác động của con người làm suy thoái môi trường tự nhiên.
Hướng dẫn trả lời
Một trong những tác động lớn nhất của con người tới môi trường tự nhiên là phá hủy thảm thực vật, từ đó gây ra nhiều hậu quả xấu như làm mất nhiều loài sinh vật, xói mòn và thoái hóa đất, mất nơi ở của sinh vật, hạn hán, lũ lụt…
Các hoạt động như khai thác khoáng sản, phát triển khu dân cư, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại, chiến tranh, phát triển công nghiệp, phát triển năng lượng hạt nhân… đã tác động xấu đến môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên.
Câu 3: Vai trò của con người trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Hướng dẫn trả lời
Môi trường tự nhiên ngày nay đã ô nhiễm và suy thoái trầm trọng, với sự hiểu biết ngày càng tăng, con người đã và đang nỗ lực để khắc phục tình trạng đó, đồng thời bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên.
Những biện pháp chính là;
+ Hạn chế phát triển dân số quá nhanh.
+ Sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên,
+ Bảo vệ các loài sinh vật.
+ Phục hồi và trồng rừng mới.
+ Kiểm soát và giảm thiểu các nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường.
+ Hoạt động khoa học của con người góp phần cải tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao.
Câu 4: Ô nhiễm môi trường là gì?
Hướng dẫn trả lời
0 nhiễm môi trường là hiện tượng các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường tự nhiên biến đổi gây tác hại cho đời sống của con người và các sinh vật khác.
0 nhiễm môi trường chủ yếu do hoạt động của con người gây ra. Ngoài ra còn do một số hoạt động của tự nhiên như núi lửa phun, thiên tai lũ lụt… tạo điều kiện cho nhiều loài sinh vật gây bệnh phát triển…
Câu 5: Nêu các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường.
Hướng dẫn trả lời
Có nhiều tác nhân gây biến đổi tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường theo hướng tác hại cho đời sống của con người và các sinh vật khác, trong đó các tác nhân chủ yếu là:
Các chất khí và bụi thải ra từ các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt
Các chất khí thải độc như: cacbon ôxit (CO), cacbônic (CO2), lưu huỳnh điôxit (SO2), nitơ điôxit (N02),…và bụi.
Nguyên nhân gây ô nhiễm khí thải rất đa dạng nhưng chủ yếu là do quá trình đốt cháy nhiên liệu: gỗ, than đá, dầu mỏ, khí đốt.. Ị
Các hóa chất bảo vệ thực vật, chất độc hóa học.
Thuốc bảo vệ thực vật gồm các loại: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm gây bệnh… có tác động bất lợi đối với sức khỏe của con người và nhiều loài động vật.
Chất độc hóa học như chất làm rụng lá do quân đội Mĩ sử dụng trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trước đây đã phá hủy môi trường và gây nhiều bệnh tật nặng nề cho con người.
Các chất phóng xạ
Năng lượng nguyên tử và các chất phóng xạ có khả năng gây đột biến cho người và sinh vật, gây ra một số bệnh di truyền, bệnh ung thư.
Nguồn ô nhiễm chủ yếu là từ chất thải khai thác chất phóng xạ, các nhà máy điện nguyên tử… và qua các vụ thử vũ khí hạt nhân.
Các chất thải rắn
Bao gồm các dạng vật liệu thải ra từ quá trình sản xuất và sinh hoạt:
+ Các chất thải công nghiệp như: cao su, nhựa, giấy, dụng cụ kim loại, thủy tinh, tro xỉ,…
+ Các chất thải từ hoạt động nông nghiệp chủ yếu là rác thải hữu cơ như: thực phẩm hư hỏng, lá cây,…
+ Chất thải từ hoạt động xây dựng như: đất, đá, vôi, cát…
+ Chất thải từ khai thác khoáng sản như: đất, đá…
+ Hoạt động y tế thải bông băng, kim tiêm..
+ Các gia đình thải ra nhiều túi nilon, thức ăn thừa…
Các vi sinh vật gây bệnh (ô nhiễm sinh học)
Nhiều loài vi sinh vật gây bệnh cho con người và các sinh vật khác.
Nguồn gốc gây ô nhiễm sinh học chủ yếu là do các chất thải như: phân, rác, nước thải sinh hoạt, xác chết sinh vật, nước và rác thải từ bệnh viện… không được thu gom và xử lí đúng cách tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển và lây lan.