ĐỀ THI
Câu 1. Cho biết thời điểm các nước tham gia vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Câu 2. Trình bày mục tiêu và cơ chế hợp tác của ASEAN.
Câu 3. Qua thời gian, mục tiêu hợp tác của Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thay đổi như thế nào?
Câu 4. Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định?
Câu 5. Cho biết các nước Đông Nam Á có những điều kiện thuận lợi gì để hợp tác phát triển kinh tế?
Câu 6. Nêu các biểu hiện về sự hợp tác để phát triển kinh tế- xã hội của các nước ASEAN.
Câu 7. Phân tích những thuận lợi và khó khăn của nước ta trong quan hệ với các nước ASEAN.
ĐÁP ÁN
Câu 1. Cho biết thời điểm các nước tham gia vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Đáp án
– 1967: Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin.
– 1984: Bru-nây.
– 1995: Việt Nam.
– 1997: Mi-an-ma, Lào.
– 1999: Cam-pu-chia.
Câu 2. Trình bày mục tiêu và cơ chế hợp tác của ASEAN.
Đáp án
a) Các mục tiêu chính của ASEAN
– Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên.
– Xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.
– Giải quyết những khác biệt trong nội bộ liên quan đến mối quan hệ giữa ASEAN với các nước, khối nước hoặc các tổ chức quốc tế khác.
Mục tiêu chung: Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định, cùng phát triển.
b) Cơ chế hợp tác của ASEAN
Cơ chế hợp tác rất phong phú, đa dạng: thông qua các diễn đàn; thông qua các hiệp ước; tổ chức các hội nghị; thông qua các dự án, chương trình phát triển; xây dựng “Khu vực thương mại tự do ASEAN”; thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao của khu vực.
Câu 3. Qua thời gian, mục tiêu hợp tác của Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thay đổi như thế nào?
Đáp án
– Trong 25 năm đầu, Hiệp hội được tổ chức như một khối hợp tác về quân sự.
– Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, xu thế hợp tác kinh tế xuất hiện và ngày càng trở thành xu hướng chính.
– Đến năm 1998 mục tiêu: “Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều”.
– Các nước hợp tác với nhau trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên và ngày càng hợp tác toàn diện, cũng khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.
Câu 4. Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định?
Đáp án
Mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định, bởi vì:
– Mỗi nước trong khu vực, ở mức độ khác nhau và tùy từng thời kì, giai đoạn lịch sử khác nhau đều đã chịu ảnh hưởng của sự mất ổn định mà nguyên nhân là do vấn đề sắc tộc, tôn giáo hoặc do các thế lực thù địch nước ngoài gây ra nên đều đã nhận thức đầy đủ, thống nhất cao về sự cần thiết phải ổn định để phát triển.
– Trong các vấn đề về biên giới, về đảo, về vùng biển đặc quyền kinh tế, do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử để lại nên giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á còn tranh chấp phức tạp, đòi hỏi cần phải ổn định để đối thoại, đàm phán giải quyết một cách hòa bình.
– Tại thời điểm hiện nay, sự ổn định của khu vực sẽ không tạo ra cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực.
Câu 5. Cho biết các nước Đông Nam Á có những điều kiện thuận lợi gì để hợp tác phát triển kinh tế?
Đáp án
– Vị trí gần gũi, đường giao thông về cơ bản là thuận lợi.
– Truyền thống văn hóa, sản xuất có nhiều nét tương đồng.
– Lịch sử đấu tranh, xây dựng đất nước có những điểm giống nhau, con người dễ hợp tác với nhau.
Câu 6. Nêu các biểu hiện về sự hợp tác để phát triển kinh tế- xã hội của các nước ASEAN.
Đáp án
– Ba nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a đã lập tam giác tăng trưởng kinh tế Xi-Giô-Ri từ năm 1989. Sau hơn 10 năm, tại vùng kém phát triển của Ma-lai-xi-a (tình Giô-ho) và In-đô-nê-xi-a (quần đảo Ri-au) đã xuất hiện các khu công nghiệp lớn.
– Nước phát triển hơn đã giúp đỡ cho các nước thành viên chậm phát triển đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong khu vực và để xuất khẩu.
– Tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các nước.
– Xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po; từ Mi-an-ma qua Lào tới Việt Nam.
– Phối hợp khai thác và bảo vệ lưu vực sông Mê Công.
Câu 7. Phân tích những thuận lợi và khó khăn của nước ta trong quan hệ với các nước ASEAN.
Đáp án
a) Thuận lợi
Quan hệ với các nước ASEAN, chúng ta có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, cụ thể như:
– về quan hệ mậu dịch:
+ Tốc độ tăng trưởng trong buôn bán với các nước ASEAN đạt khá cao: từ năm 1990 đến năm 2000 tăng 26,8%/năm (gần 30%).
+ Tỉ trọng hàng hóa buôn bán với các nước này chiếm tới 1/3 (32,4%) tổng buôn bán quốc tế của Việt Nam.
+ Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước ASEAN là gạo, với bạn hàng chính là In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a.
+ Mặt hàng nhập khẩu chính là: nguyên liệu sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hạt nhựa, hàng điện tử.
– Về hợp tác phát triển kinh tế: Dự án phát triển hành lang Đông – Tây tại lưu vực sông Mê Công tạo điều kiện để khai thác tài nguyên và nhân công tại những vùng còn nhiều khó khăn của một số nước trong khu vực, giúp những vùng này phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói nghèo.
b) Khó khăn
– Do chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế nên năng suất lao động của nước ta còn thấp, chất lượng hàng hóa sản xuất chưa cao, giá bán hàng cao khó cạnh tranh với hàng các nước khác sản xuất.
– Các nước Đông Nam Á có nhiều mặt hàng giống nhau càng dễ xảy ra cạnh tranh trong xuất khẩu.
– Sự khác biệt trong thể chế chính trị dẫn đến cách giải quyết các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau nhiều khi gây khó khăn không cần thiết như: chúng ta có nhiều thủ tục hành chính khi giải quyết các hợp đồng, các giấy cấp phép hoạt động.
– Việc không cùng chung ngôn ngữ cũng gây những khó khăn lớn khi Việt Nam mở rộng giao lưu với các nước,…
Một số chuyên mục hay của Địa lý lớp 8: