Home / Tài liệu môn Ngữ văn / Văn mẫu hay lớp 12 / Tưởng Tượng Và Kể Về Mẹ Em Sau 40 Năm Nữa

Tưởng Tượng Và Kể Về Mẹ Em Sau 40 Năm Nữa

Tưởng Tượng Và Kể Về Mẹ Em Sau 40 Năm Nữa

Bài làm

Mặt trời vừa ló rạng, còn mờ mờ ảo ảo trong đám mây bồng bềnh. Một buổi sáng mùa thu thật nhẹ nhàng và êm đềm biết bao. Bà cụ chống gậy bước ra ngoài hiên. Bà đảo mắt nhìn xung quanh xem con gà con lợn đã được ăn no chưa. Dù đôi mắt bà chẳng còn được tinh nhanh như trước nữa nhưng ngày  nào cũng vậy, cứ thức giấc điều đầu tiên bà quan tâm là lũ lợn lũ gà. Mẹ tôi đấy. Mới cách đây khoảng bốn mươi năm về trước, mẹ vẫn còn nhanh nhẹn khỏe mạnh lắm, thế mà giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi.
Đúng là con cái càng khôn lớn bao nhiêu, càng trưởng thành bao nhiêu thì cha mẹ lại càng già đi bấy nhiêu. Âu cũng là quy luật sống của tự nhiên. Tre già măng mọc. Nhưng dù mẹ có già thế nào, hay có ốm yếu bệnh tật cũng vẫn là mẹ của tôi. Và dù cho nhiều khi mẹ cũng bị lẫn rồi, nhưng vì sao mà mẹ như thế? Là vì chăm lo cho đàn con chứ sao. Lo cho hết đứa này đến đứa khác được ăn được học đàng hoàng như con người ta, rồi lại lo công lo việc cho ổn định cuộc sống. Chăm cho con lớn lên, lo dựng vợ gả chồng. Nhưng nào cũng đã xong, nhà đứa nào thiếu thốn, mẹ lại lo vun vén cho con cháu được đầy đủ hơn. Vậy đấy, cứ ngày này qua ngày khác, hết gánh nặng này đến gánh nặng khác, làm sao mà mẹ không đổ bệnh, không lú lẫn được?
Mái tóc mẹ đã bạc hết rồi, mẹ vấn gọn quanh đầu. Đôi mắt ẩn sâu dưới hàng mi cũng đã già nua. Nhưng trong đôi mắt ấy vẫn còn ánh lên nhiều hi vọng lắm. Con cái giờ ai cũng yên bề gia thất rồi nên mẹ cũng thảnh thơi. Chỉ tiếc rằng tuổi mẹ đã già. Bấy nhiêu năm lăn lội với cuộc đời, chẳng ai biết mẹ già đi tự khi nào. Chỉ đến khi mẹ bắt đầu có dấu hiệu nhớ nhớ quên quên, mọi người mới thấy rằng mẹ đã già thực sự rồi.
Tôi đi lấy chồng ở làng bên, công việc bận bịu nên cũng chẳng mấy khi đến thăm mẹ được. Có hôm sang chơi, mẹ còn tưởng khách, đon đả mời vào nhà uống nước. Nhìn tay mẹ run run bưng chén nước mà tôi rưng rưng nước mắt. Tôi ôm chầm lấy mẹ và nói trong nghẹn ngào:
tuong tuong va ke ve me em sau 40 nam nua - Tưởng Tượng Và Kể Về Mẹ Em Sau 40 Năm Nữa
– Mẹ ơi, con út của mẹ đây.
– À, út đấy à. Tao tưởng khách nào đến chơi – Mẹ hấp háy đôi mắt nhìn tôi – Ngồi đấy, tao lấy cho rổ khoai mà ăn cho đỡ đói.
Rồi mẹ lật đật chống gậy vào nhà bưng cái rổ không ra. Hóa ra mẹ cứ nghĩ đây là thời như ngày xưa, cái thời còn phải ăn khoai, ăn sắn cho đỡ đói bụng. Mẹ đẩy cái rổ về phía tôi, giọng đầy hào hứng:
– Khoai năm nay được mùa nên toàn củ to, bở. Ăn đi cho đỡ đói. Tao phần mấy đứa kia rồi.
Tôi nghẹn lòng nhớ lại những tháng ngày ấu thơ. Mẹ vẫn thường dậy sớm luộc khoai cho mấy anh em ăn. Mẹ chẳng ăn chút gì, để dành hết cho các con. Tôi ôm cái rổ vào lòng, cũng giả vờ cầm lấy khoai ăn. Nhân lúc mẹ quay đi, tôi lau vội nước mắt. Mẹ già rồi ư? Mẹ của tôi đây ư?
– Khoai ngon lắm mẹ ơi. Mà mẹ cũng ăn đi. – Tôi đẩy cái rổ về phía mẹ.
– Tao vừa ăn no cơm sắn rồi. Sắn cũng bở lắm. Nhờ giời thương, năm nay làng được mùa to. Chứ như năm ngoái thì chết đói cả lũ.
Cái thời ấy, có khoai có sắn ăn là khá giả lắm. Có lẽ trong tâm trí mẹ quá khắc sâu những tháng ngày vất vả, và cũng vì quá thương con, luôn tâm niệm những điều tốt đẹp nhất cho con nên hình ảnh về củ khoai, về bát cơm sắn luôn hiện hữu trong đầu mẹ.

Lưng mẹ còng đi cũng vì thế. Vì những sáng sớm mẹ gánh những gánh rau đi bộ trên con đường đất dài gần năm kilomet tới chợ để bán. Đôi chân trần giẫm đạp lên sương, lên nắng để gánh lấy những gánh lo cuộc đời. Vậy mà mẹ chẳng bao giờ thở than lấy nửa lời. Ngay cả khi mẹ không còn minh mẫn, cũng chưa một lần nào mẹ than khóc vì đã trải qua những năm tháng quá vất vả, bon chen.

Có nhiều đêm, mẹ mất ngủ, mở mắt ra chỉ thấy một màn đêm đen giày đặc, mẹ lại lọ mọ ngồi dậy tìm chiếc đèn dầu. Cũng may cái Tí nhà bác Cả hiểu ý bà nên dậy bật đèn cho bà và bảo “Cháu thắp đèn cho bà rồi đấy”. Rồi mẹ lại ngồi trên đầu giường lẩm bẩm tính toán. Những phép toán về giá cả của mớ rau, mớ cỏ phiên chợ ngày hôm nay, hôm qua… Trong thâm tâm mẹ lúc nào cũng như đang sống ở thời cách đây bốn mươi năm vậy, khi mà mẹ vẫn gánh những gánh rau đi chợ bán. Rồi mẹ lại lấy tay ra bấm bấm các đầu ngón tay: “Thằng Sự đóng học, con Tâm mua sách, con An chuyến này cũng sắp phải mua quần áo mới rồi…”. Mẹ cứ tính toán cho từng đứa xem chi hết bao nhiêu tiền để mẹ xoay sở. Có hôm bảo mẹ ăn cơm, mẹ dứt khoát không ăn, mẹ bảo để dành cơm cho con Út. Thấy nhà bác cả ngồi ăn, mẹ còn không cho ăn, bảo để nhường em. Bác cả lại xới riêng ra một bát rồi đưa vào tay mẹ và bảo: “Dạ, con phần em bát đầy nhất, ngon nhất đây rồi mẹ. Con út nó bảo mẹ ăn thì nó mới ăn. Nếu mẹ không ăn, nó cũng không ăn đâu. Nó nhịn đói đấy”. Nghe thấy vậy, mẹ lại vội vàng cầm bát cơm lên ăn.

>> Xem thêm:  Bài văn mẫu Nghị luận xã hội : Sống là không chờ đợi

Tuổi già là thế đấy. Trước mắt tôi giờ đây là một bà cụ đã gần chín mươi tuổi, mái tóc bạc phơ chỉ còn lại lưa thưa một ít. Cũng may là mẹ vẫn khỏe, vẫn chống gậy đi lại được. Còn việc mẹ bị lẫn, cứ nhớ nhớ quên quên, đó là điều đương nhiên của tuổi già thôi. Rồi ai cũng sẽ già, cũng sẽ trải qua những ngày tháng như thế. Có người được thọ hơn, hoặc kém hơn. Mỗi người một số phận. Với tôi, mỗi lần sang chơi với mẹ, vẫn nhìn thấy bóng dáng mẹ đang lom khom chống gậy là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tuổi trẻ của mẹ đã hi sinh tận tụy dành hết cho các con. Giờ tuổi già, mấy anh em tôi chỉ biết phụng dưỡng mẹ thật chu đáo, cẩn thận để bù đắp lại những gì mẹ đã hi sinh.

Vậy mà, có những người đã hắt hủi, xa lánh cha mẹ mình khi thấy cha mẹ già nua và lú lẫn. Ai mà không phải già đi, và ai có thể biết trước khi mình già sẽ như thế nào ? Vì vậy, đừng làm điều gì có lỗi với cha mẹ. Cha mẹ già đi là vì để cho con cái được lớn khôn, được trưởng thành.

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Câu thơ ấy của ông cha ta vẫn luôn luôn đúng. Cả cuộc đời cha mẹ vất vả lặn lội vì con cái, đến khi bệnh tật cũng vì làm quá sức và lo lắng quá nhiều. Vì vậy, hãy biết ơn và xót thương cha mẹ mình.

>> Xem thêm:  Phân tích nhân  vật người Vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Dù mẹ có thế nào đi chăng nữa, với tôi, mẹ vẫn luôn là một người mẹ rất vĩ đại ! Và tôi cũng đang cố gắng noi gương mẹ, vừa chăm lo cho con cái nên người, vừa phụng dưỡng mẹ chu đáo, tận tình. Chỉ mong mẹ khỏe mạnh, sống vui vầy bên con cháu mãi thôi.

Check Also

7225 1494911290059 1017 310x165 - Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ: Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy

Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ: Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy

Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ: Có những người không dám bước …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *